Bệnh chân ngập nước và nước ăn chân mùa lũ

"Lũ đang hoành hành tại miền Trung Việt Nam kèm theo các bệnh nguy hiểm về da ở vùng bàn chân do nhiều quý vị phải dầm nước liên tục và tiếp xúc nhiều với bùn bẩn. Tôi viết bài này chỉ ra 2 bệnh da ở chân thường xảy ra trong mùa lũ là hội chứng bàn chân ngập nước (Trench Foot) và nước ăn chân (Tinea Pedis), cách chữa trị, đặc biệt là cách chữa trị dân gian (dùng lá cây) để chữa bệnh nấm ăn chân." - Bác sĩ Wynn Tran.

1. Chân sưng đau do ngập nước

- Đây là một bệnh nguy hiểm do bàn chân ngâm quá lâu trong nước. Bệnh này nổi tiếng hồi chiến tranh thế giới thứ 1 do rất nhiều binh sĩ Mỹ và Anh tử vong do phải ngâm chân trong nước quá lâu dẫn đến sưng viêm, nhiễm trùng, và hoại tử.

- Lý do chính là khi đôi bàn chân ở quá lâu trong nước, hàng giờ cho đến hàng chục giờ như trong cơn lũ, thì các mạch máu và dây thần kinh sẽ bị tổn thương. Nước lành càng làm sự tổn thương diễn ra nhanh hơn mặc dù có những nghiên cứu chỉ ra nhiệt độ ấm hơn vẫn xảy tổn thương.

- Điểm quan trọng nhất để chữa trị bệnh này là quý vị cần phải giữ cho đôi bàn chân khô ráo, dù chỉ là một chút thời gian.

1.1 Triệu chứng của chân ngập nước

- Chân lạnh cóng, da nhăn nheo, bàn chân trở nên nặng nề

- Tê tê, mất cảm giác một phần hay toàn bộ vùng bàn chân

- Sưng đỏ, nổi hạt nước, nổi mẩn ở da bàn chân

- Bong da từng lớp, ngứa ngáy

- Đau chân, sưng chân, hay ngứa chân

1.2 Các biến chứng của chân ngập nước

- Viêm, sưng, và nhiễm trùng bàn chân dẫn đến hoại tử, thậm chí tử vong do nhiễm trùng cấp tính khi xuất hiện vết lở loét

- Cưa chân hoặc một vùng bàn chân

- Mất cảm giác vùng chân, đi đứng không vững

- Lở loét vùng bàn chân

1.3 Chữa trị

- Tháo giày dép ra, rửa sạch bàn chân ngập nước bằng nước sạch

- Giữ chân khô ráo

- Rửa sạch các vết thương và bôi thuốc chống nhiễm trùng

- Kê chân cao, nằm xuống để giúp máu lưu thông về chân tốt hơn

- Có thể chàm bịch nước ấm vào vùng chân lạnh trong vài phút, nhưng quan trọng nhất là giữ khô

- Mang ủng/giày boot cao để giữ chân khô. (Các đoàn từ thiện có thể giúp/ủng hộ mua các đôi giày ủng cao để bảo vệ bàn chân của người dân vùng lũ)

2. Nước ăn chân (nấm chân)

- Đây là bệnh thường xảy ra ở vùng lũ do vi khuẩn và nấm ăn vào chân, chủ yếu ở khe và kẽ giữa các ngón chân.

2.1 Triệu chứng

- Ngứa vùng chân, tróc các lớp vảy nhỏ như vảy cá, vùng da xung quanh vùng vảy nổi ửng đỏ

- Nổi lên các mụn nước nhỏ li ti, có thể vỡ ra

- Các nấm nhỏ li ti mọc ở vùng ngứa

- Bệnh này thường xảy ra ở người có hệ miễn dịch yếu như tiểu đường, bệnh phổi, hay các bệnh mãn tính khác

2.2 Chữa trị

- Tháo giày dép ra, giữa khô bàn chân. Một số người cho rằng mang tất/vớ kín sẽ chữa trị tốt hơn. Điều này sai lầm vì nấm trong môi trường khép kín ẩm ướt thì càng phát triển nhiều hơn

- Phải chữa trị hết hẳn hoàn toàn mới có thể tiếp xúc bàn chân với nước vì khi chân bị nấm ăn, vùng da đã bị tổn thương, khi tiếp xúc thì sẽ làm khả năng tái nhiễm cao hơn

- Các kem trị nấm họ Ketoconazole/Clotrimazole hay Lamisil đều có thể chữa trị bệnh này hoàn toàn

- Dùng kết hợp các kem kháng viêm hay thuốc ngứa trong trường hợp viêm ngứa chung với viêm nấm

- Không dùng chung chân giày/dép với người bị nước ăn chân vì có thể bị lây nhiễm

- Biến chứng của bệnh này khi chữa trị không đến nơi gồm viêm tê bàn chân, nhiễm trùng sâu hơn, hoặc lở loét không lành

- Bệnh nhân bị tiểu đường hay các bệnh mãn tính khác cần phải được chữa trị dứt điểm để hạn chế rủi ro

3. Một vài bài thuốc dân gian

Các bài thuốc có thể dùng để chữa nấm vùng chân, lưu ý là các lá này phải được rửa sạch, trong trường hợp không có thuốc kháng nấm. Các nghiên cứu cho thấy các chất trong các loại thuốc dân gian có tác dụng kháng nấm

- Lá trầu không: rửa sạch, vò nát, xát và kẽ ngón, hoặc lấy nước bôi vào kẽ ngón

- Lá lốt: đun nước sôi, cho lá vào khoảng 20 phút, đợi nước nguội, dùng để rửa chân ngày 2 lần

- Lá ổi: đọt lá ổi bẻ từng bắp, giã với muối, xát một lớp mỏng vào chỗ ngứa

- Gừng: đập nhỏ một tép gừng cho vào nước sôi đun trong 20 phút, sau khi nước nguội dùng ngâm chân 2 lần/ngày

- Dấm: hòa dấm vào một chậu nước nhỏ để ngâm chân, một ngày ngâm lần

- Rau sam: dùng một ít lá rau sam bầm với muối mịn, dùng một lớp vải mỏng bọc lại, sau đó chườm vào chỗ bị nấm chân

4. An toàn khi đi từ thiện vùng lũ

- Quý vị đi từ thiện vùng lũ nhớ giữ an toàn cho mình, nhớ mặc áo phao (dù bơi lội rất giỏi), uống nước sạch, ngủ (chỗ an toàn) nghỉ đủ, và giữ đôi bàn chân khô để tránh những bệnh về da nói trên

- Mong các chăm sóc về da bàn chân của bà con/người cứu trợ vùng lũ được quan tâm để sau cơn lũ không có ai phải cưa cắt bàn chân hay bị lở loét.

 Nguồn tham khảo:

Bài viết từ Bác Sĩ Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ

 

← Bài trước Bài sau →