TỰ THEO DÕI VÀ ĐIỀU TRỊ COVID 19 - THÔNG TIN DÀNH CHO BỆNH NHÂN VÀ NGƯỜI CHĂM SÓC BỆNH

Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo tổng hợp từ thông tin của CDC, WHO và Mayo Clinics. 

 

Virus Corona, như tên gọi, là một bệnh nhiễm siêu vi đường hô hấp. Bệnh lây từ người qua người qua các giọt bắn từ dịch hô hấp, hầu họng của người bệnh khi họ ho, hắt hơi, sổ mũi, hoặc khi ăn uống chung với người lành không bệnh. 

Nhiễm Covid là một tình trạng nhiễm cấp tính, được xác định bằng tiêu chuẩn test nhanh hoặc test PCR Covid dương tính. Khi một người bị nhiễm Covid xác định bằng kết quả test dương tính, có ba khả năng sau: 

1. Người mang virus nhưng không có triệu chứng
2. Người bệnh nhẹ và tự hết
3. Người bệnh nặng và cần nhập viện theo dõi điều trị
 
Dưới đây là hướng dẫn dành riêng cho từng nhóm
 

1. NGƯỜI MANG VIRUS KHÔNG TRIỆU CHỨNG 

Những người này cần được theo dõi có diễn tiến thành bệnh thật hay không. Nếu hoàn toàn không có bệnh thật, là tốt, nhưng cần phải được cách ly tốt để ngừa lây nhiễm cho những người sống chung và cho cộng đồng xung quanh. 

 

2. NGƯỜI BỊ BỆNH NHẸ VÀ TỰ HẾT 

Đây là nhóm đa số. Đa số các ca bệnh Covid 19 chỉ có những triệu chứng nhẹ, kéo dài vài ngày. Và thường phục hồi sau khoảng 1 tuần hoặc hơn. Bệnh tự hết. 

Trong thời gian tự theo dõi, người bệnh cần lưu ý những điều sau: 

Tuân thủ tự cách ly thật tốt nếu ở nhà. Hạn chế tiếp xúc tới mức tối đa với người nhà, ăn riêng, uống riêng, buồng vệ sinh riêng, để hạn chế lây nhiễm. 

Uống hạ sốt, giảm đau khi cần. Nếu sốt cao kèm đừ người, nhức đầu, khó chịu, bạn có thể dung thuốc giảm đau hạ sốt với các lưu ý sau: 

  • Thuốc có hoạt chất acetaminophen (vd các loại có tên: Paracetamol, Acetaminophen, Panadol, Efferalgan, Hapacol, Tylenol…): liều 10-15mg/kg/liều (kg: số cân nặng của cơ thể), tối đa là 500mg/liều uống. Các liều cách nhau tối thiểu 4-6 tiếng. Tối đa được uống 5 liều/ 1 ngày 24 tiếng. Ví dụ như bạn nặng 40kg, thì một liều của bạn là 10-15mg x 40 = 400mg - 600mg, nhưng chỉ được uống tối đa là 500mg/ liều thôi. 
  • Thuốc có hoạt chất Ibuprofen (Vd các thuốc có tên Ibuprofen, Brufen, Advil…) liều 5-10mg/kg/liều (kg: số cân nặng của cơ thể), tối đa 400mg/liều uống. Các liều cách nhau tối thiểu 6-8 tiếng. Tối đa được uống 4 liều / 1 ngày 24 tiếng. 
  • Không nên sử dụng xen kẽ các loại thuốc giảm đau hạ sốt với nhau. Không nên tăng hoạt giảm liều không cần thiết. 

- Cố gắng nghỉ ngơi thật tốt. 

- Cố gắng uống nước và dịch lỏng để tránh mất nước và giúp cơ thể cảm thấy tốt hơn. 

- Nên duy trì ăn uống ngay cả khi bạn không cảm thấy thèm ăn, vì cơ thể bệnh cần được hỗ trợ năng lượng tốt.

 

3. NGƯỜI BỊ BỆNH NẶNG, VÀ CẦN NHẬP VIỆN THEO DÕI ĐIỀU TRỊ 

Đây là nhóm thiểu số, nhưng cần theo dõi và điều trị có thể chuyên sâu. Bệnh Covid có thể gây tổn thương phổi, gây suy hô hấp, có thể cần hỗ trợ oxy, hoặc các thiết bị hỗ trợ hô hấp khác. Ở một số trường hợp nặng hiếm gặp hơn, Virus Corona có thể gây tổn thương đa cơ quan, gây tình trạng bệnh nặng nghiêm trọng. Tuy nhiên, không phải một người bệnh nặng là bệnh nặng ngay từ ngày đầu tiên. Chúng ta cần theo dõi diễn tiến của bệnh, mới biết được có trở nặng hay không. 

Một số triệu chứng cần quan tâm theo dõi là: 

- Khó thở, thở nhanh, thở mệt 

- Đau hoặc tức ngực thường xuyên

- Lừ đừ, li bì, khó đánh thức 

- Da niêm nhợt nhạt, môi tái, hoặc tím tái môi… 

- Rối loạn tri giác 

Tuy nhiên, đây không phải là TẤT CẢ các triệu chứng cấp cứu, vì vậy nếu bạn có gì rất lo lắng, nên liên hệ với bác sĩ của mình, hoặc bệnh viện, để được tư vấn hướng dẫn kịp thời. 

Đối với những người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính, và người thừa cân béo phì, nguy cơ bệnh nặng sẽ cao hơn so với nhóm dân số khác. Vì vậy, bạn nên theo dõi sát, liên hệ bác sĩ riêng của gia đình để được hỗ trợ theo dõi triệu chứng thêm. 

Đối với những người đang điều trị bệnh khác mà nhiễm virus: Nếu bạn có đang uống thuốc điều trị bệnh mãn tính của mình, không nên tự ý ngưng thuốc điều trị vì bệnh Covid. Nên tham vấn với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn nếu cần. 

Chúc bình an!

← Bài trước Bài sau →