10 CHẤN THƯƠNG NGƯỜI LỚN HAY GẶP TRONG GIA ĐÌNH
- Người viết: 1Life VN lúc
- Tin tức
Trong cuộc sống hàng ngày có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra và khi những tai nạn xảy ra nếu không được cấp cứu, sơ cứu tại chỗ sẽ dẫn đến nhiều nguy hiểm cho tính mạng. Chính vì vậy mọi người nên biết sơ lược cách cấp cứu cơ bản để có thể xử lý các tình huống tai nạn thường gặp hàng ngày trong gia đình. Cùng tìm hiểu 10 tình huống chấn thương người lớn hay gặp trong gia đình và cách sơ cứu chấn thương như thế nào? Mọi người cùng tham khảo nhé.
- Té ngã
- Bỏng
- Chảy máu
- Điện giật
- Bong gân
- Tai biến mạch máu não
- Chảy máu cam
- Gãy xương
- Ngộ độc thực phẩm
- Côn trùng đốt
1. Sơ cứu khi bị té ngã
Khi bị té ngã, người lớn tuổi rất dễ bị gãy xương hông, gây giảm chức năng hoạt động cho bộ phận này và cần được chăm sóc. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây tử vong liên quan đến thương tích ở người trên 75 tuổi.
Cách xử trí
Bản thân người bị ngã cần lưu ý:
- Nằm yên trong vài phút và kiểm tra cơ thể có bị thương nặng, tổn thương, chảy máu hay không. Sau đó cử động nhẹ nhàng, từ từ các chi.
Nếu có thể tự đứng dậy:
- Người lớn tuổi hãy bám vào các đồ vật cố định xung quanh như ghế, giường… rồi từ từ đứng dậy.
- Bàn chân đặt chắc chắn trên mặt đất.
- Chậm rãi ngẩng đầu về phía trước, chắc chắn cơ thể ở trạng thái thăng bằng rồi mới đứng thẳng người.
- Hãy dành thời gian nghỉ ngơi. Gọi điện cho người thân để nói về những gì đã xảy ra.
Nếu bị thương và không thể đứng dậy:
- Cần thu hút sự chú ý của ai đó bằng cách kêu cứu, đập vào tường, sàn nhà, nhấn nút gọi giúp đỡ (nếu có).
- Nếu không nhận được sự trợ giúp, cố gắng gọi đến số 115. Đảm bảo điện thoại di động của người lớn tuổi luôn được sạc đầy pin.
- Trong khi chờ đợi sự trợ giúp, cố gắng với lấy chăn hoặc áo choàng để giữ ấm cơ thể. Quấn quanh mình để cách nhiệt với mặt đất, đặc biệt là giữ ấm cho đôi chân và bàn chân.
- Giữ bình tĩnh nhất có thể.
Sơ cứu người lớn tuổi té ngã
- Tiếp cận nạn nhân một cách bình tĩnh, cẩn trọng, cảnh giác với những nguy hiểm xảy ra cho bản thân hoặc người bị té ngã.
- Đừng vội di chuyển họ, cần đánh giá nhanh chóng tình trạng người bị té:
- Nạn nhân có phản ứng không?
- Nếu không phản ứng, nạn nhân có thở không?
- Nếu nạn nhân đang thở thì xem xét kỹ tư thế té ngã và cẩn thận đưa vào khu vực thông thoáng, dễ thở hơn
- Trường hợp nạn nhân không thở, cần hô hấp nhân tạo ngay lập tức. Sử dụng khẩn cấp một máy khử rung tim (nếu có).
- Người bị té vẫn còn phản ứng:
- Nói chuyện với nạn nhân và xác định xem tai nạn xảy ra như thế nào, liệu nguyên nhân có do đột quỵ… Lưu ý, không nên làm nạn nhân đang căng thẳng trở nên bối rối.
- Hãy thử và xác định vị trí đau nhất và quan sát kỹ xem có vết thương, bầm tím hay sự co cứng biểu hiện của một chấn thương cụ thể nào không.
- Nếu nạn nhân tỉnh táo nhưng bị thương ở cổ hoặc cột sống thì tuyệt đối không di chuyển. Cố gắng giữ yên tư thế. Gọi cấp cứu và trấn an họ cho đến khi nhân viên y tế đến.
- Nếu chảy máu thì thực hiện việc cầm máu.
- Tìm các dấu hiệu của sốc như mạch nhanh, da tái…, khuyến khích họ nằm xuống và nâng cao chân.
- Nếu không có chấn thương hoặc nguyên nhân té ngã rõ ràng
- Cẩn thận và chậm rãi giúp họ ngồi xuống, quan sát xem có bất kỳ dấu hiệu đau đớn, khó chịu hoặc chóng mặt nào không.
- Giúp nạn nhân đi đến giường, ghế nằm nghỉ.
- Kiểm tra thật kỹ càng cơ thể, chắc chắn rằng không có vết thương. Bước này rất quan trọng với bệnh nhân tiểu đường bởi họ có thể không cảm thấy mình bị thương.
- Theo dõi cẩn thận trong 24 giờ và thông báo cho người thân của nạn nhân.
2. Sơ cứu bỏng
Bỏng là điều khó tránh với các đầu bếp trong nhà trong quá trình chế biến các món ăn. Tùy vào mức độ vết thương trên da mà cách xử lý cũng khác nhau. Vết bỏng trên da nếu không được xử lý kịp thời có thể gây đau rát về lâu dài, để lại sẹo. Nguy hiểm hơn là nhiều trường hợp có thể gây dị tật hoặc tử vong (khi vết thương quá nặng hoặc bị hoại tử do không chữa trị đúng cách). Chính vì thế, trong quá trình chế biến các món ăn, cẩn thận là điều cần thiết. Tuy nhiên, cũng không ai lường trước được điều gì nên các bà nội trợ cần có cho mình những bí quyết sơ cứu kịp thời.
Cách xử trí
Để đảm bảo an toàn cho bản thân và nạn nhân thì người sơ cứu cần tuân thủ các nguyên tắc sơ cứu khi bị bỏng như sau:
- Quan sát xung quanh, đảm bảo môi trường an toàn hoặc đưa nạn nhân đến nơi an toàn.
- Đem túi hoặc dụng cụ sơ cứu đến.
- Mang phương tiện phòng hộ cho bản thân (Găng tay, mắt kính bảo vệ), nếu bạn cấp cứu cho người khác.
- Sử dụng nước lạnh để làm mát vết bỏng (nếu không có nước lạnh có thể dùng nước mát bình thường, nhưng không được dùng nước đá) trong tối thiểu 10 phút.
- Để vết bỏng dưới vòi nước lạnh đang chảy cho đến khi không còn đau.
- Băng vết bỏng bằng băng/gạc sạch.
- Nếu bỏng do lửa, bỏng rộng, bạn hãy gọi cấp cứu (gọi 115 hoặc đơn vị cấp cứu nào gần nhất mà bạn có số điện thoại). Khi gọi cấp cứu bạn cần cung cấp rõ thông tin về: Vị trí nạn nhân (số phòng, số nhà, đường, phường, quận…), số nạn nhân (dự tính), tình hình nạn nhân, tình đám cháy hoặc tai nạn, yêu cầu hoặc nhờ hướng dẫn hỗ trợ thêm (khi cần). Theo đó, bạn cần chú ý cung cấp số điện thoại và giữ điện thoại liên tục để cấp cứu viên có thể liên lạc lại khi cần.
- Nếu nạn nhân hoặc quần áo trên người nạn nhân bị cháy thì cần hướng dẫn nạn nhân dập lửa bằng cách dừng lại, nằm xuống và lăn trên mặt đất. Sau đó dùng một tấm mền nhúng nước và trùm lên người nạn nhân.
- Khi lửa đã tắt thì lấy tấm mền ra, cẩn thận tháo bỏ trang sức và quần áo trên người nạn nhân, nhưng không cố gỡ bỏ những thứ đã bị dính bết vào da nạn nhân.
- Đối với những vùng da bị bỏng lớn, cần dùng nước lạnh để làm mát trong tối thiểu 10 phút.
- Sau khi làm mát vết bỏng, dùng băng/gạc khô, sạch băng vết thương lại.
- Dùng một tấm mền khô, sạch để đắp cho nạn nhân.
- Kiểm tra xem người bệnh có các dấu hiệu sốc không.
Sau đó, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám, đánh giá và điều trị bệnh sớm.
3. Sơ cứu khi bị chảy máu
Dù có đến nhiều năm kinh nghiệm làm bếp đến mấy, bạn vẫn không thể tránh khỏi những lúc sơ suất khiến dao, kéo hay vật nhọn khác đâm vào tay. Lúc này, không nên bối rối hay hoảng loạn, chỉ cần nhớ thực hiện những bước sau:
Cách xử trí
Đè lên vết thương bằng băng gạc cho đến khi máu ngừng chảy. Có thể mất vài phút để màu ngừng chảy, chảy máu tại động mạch thường phun thành tia và có màu đỏ tươi, cần thời gian đông lâu hơn vì phải chịu áp suất cao nhất. Máu chảy từ các mao mạch thì chậm hơn song dễ nhiễm trùng và sưng tấy. Nên đeo găng tay vô trùng để bảo vệ cả bệnh nhân và bản thân. Ngoài ra cũng có thể chườm lạnh bằng cách đặt túi nước đá lạnh lên trên bằng gạc hoặc khăn sạch khi máu ngừng chảy.
Sát trùng vết thương bằng dung dịch nước muối sinh lý. Nếu bị vết cắt chảy máu ở tay, có thể đặt cao hơn vị trí tim để giúp cầm máu.
Một số điểm cần lưu ý:
- Không nên buộc garo chặt trong thời gian dài vì có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu và có thể dẫn đến hoại tử. Nên nới lỏng garo mỗi 20 phút.
- Nếu nạn nhân chảy máu nhiều, kèm theo mạch đập bất thường, hoặc khó thở, cần gọi cấp cứu ngay lập tức.
4. Sơ cấp cứu khi bị điện giật
Điện giật là một tai nạn sinh hoạt thường gặp. Dòng điện khi đi qua cơ thể làm cho nạn nhân bị chóng mặt, khó thở, thậm chí tim ngưng đập. Ngoài ra dòng điện còn gây ra những vết phỏng da ở nơi tiếp xúc. Dòng điện xoay chiều làm co cơ làm nạn nhân bị dính chặt không thể thoát ra khỏi nguồn điện.
Nguyên nhân bị điện giật là do công tắc điện bị hỏng, ướt nước, dây điện tróc vỏ bọc, hay sờ vào ổ cắm điện, chổ nối bị bong tróc.
Cách xử trí
Cắt nguồn điện ngay bằng cách tắt công tắc, ngắt cầu dao điện hoặc rút phích cắm điện.
Nếu không với tới được dây điện, công tắc thì đứng trên vật khô cách điện như hộp gỗ, tấm cao su hay nhựa, dùng cây hay cán chổi, chiếc ghế đẩu đẩy tay chân nạn nhân ra khỏi nguồn điện
Không được sờ vào nạn nhân nếu nạn nhân chưa tách khỏi nguồn điện
Sau khi đã ngắt điện:
- Nếu nạn nhân bất tỉnh: kiểm tra nhịp thở, mạch đập và cấp cứu ấn tim thổi ngạt khi có ngưng thở ngưng tim.
- Nếu nạn nhân gần như bình thường, không bị thương tích, khuyên nạn nhân nghỉ ngơi. Theo dõi và nếu thấy nghi ngờ thì gọi bác sĩ hoặc tới bệnh viện.
* Những việc cần tránh
Chạm tay trực tiếp kéo nạn nhân ra trong khi nguồn điện chưa bị ngắt
Nếu có vết phỏng:
- Đừng bóc đi phần da chết hoặc làm bể các vết phỏng giộp
- Không dùng đá lạnh, kem đánh răng hoặc mỡ bôi vào vết phỏng
5. Sơ cấp cứu khi bị bong gân
Khi bị bong gân và căng cơ, người bệnh cần dừng cử động và thực hiện các cách sơ cứu sau trong vòng 48 giờ:
- Nghỉ ngơi: Hạn chế hoàn toàn các cử động để vùng bị thương nghỉ ngơi đến khi giảm đau.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh vùng bị thương ngay lập tức, thực hiện 4 – 8 lần/ngày và khoảng 10 – 15 phút/lần. Cách này sẽ giúp giảm sưng và giảm đau.
- Cố định khớp: Sử dụng loại băng vải có độ đàn hồi cao băng vùng bị bong gân và căng cơ khoảng 2 ngày, lưu ý không nên băng quá chặt. Cách này giúp giảm sưng.
- Nâng cao vùng bị thương: Nâng hoặc kê cao vùng bị thương so với tim để làm giảm tình trạng sưng phù
Lưu ý: Không được dùng cao dán hay bôi dầu nóng vì sẽ làm nặng hơn tình trạng xuất huyết dưới da. (Các mạch máu giãn nở và bể ra khi gặp nóng còn khi gặp lạnh chúng sẽ co lại).
6. Sơ cấp cứu khi người thân bị đột quỵ
Bệnh nhân đột quỵ cần được cấp cứu càng sớm sẽ càng giúp giảm thiểu tỷ lệ tổn thương não bộ, đặc biệt với những trường hợp bị đột quỵ do huyết khối thì việc điều trị cần phải được thực hiện trong vòng 1 giờ đầu tiên. Trong quá trình chờ cấp cứu đến thì việc sơ cứu đột quỵ tại nhà đúng cách rất quan trọng.
Cách xử trí
Ngay khi phát hiện người có biểu hiện đột quỵ, hãy tiến hành sơ cứu bằng cách cho người bệnh nằm cao đầu, nếu người bệnh bị nôn, rối loạn ý thức thì hãy để người bệnh nằm nghiêng một bên để tránh sặc vào đường hô hấp. Khi sơ cứu đột quỵ tại nhà, tuyệt đối không cho người bệnh ăn hay uống gì để tránh sặc gây viêm phổi.
Biểu hiện đột quỵ bao gồm:
- Đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, đau đầu dữ dội, mất thăng bằng.
- Bỗng nhiên không nói được, méo miệng.
- Giảm thị lực mắt một cách đột ngột.
Khi người bệnh bị đột quỵ, tiến hành sơ cứu đột quỵ tại nhà bằng cách:
- Gọi điện thoại cấp cứu 115.
- Trong thời gian chờ cấp cứu đến thì để phần đầu và lưng của bệnh nhân nằm nghiêng 45 độ so với cơ thể để phòng tránh bị sặc đường thở.
- Mặc quần áo rộng, thoáng, mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp của người bệnh. Trong trường hợp người bệnh ngừng tim thì tiến hành hồi sức tim phổi CPR.
- Ghi chú lại thời điểm người bệnh khởi phát biểu hiện đột quỵ bất thường.
- Ghi chú lại những loại thuốc mà người bệnh đang dùng hoặc mang theo đơn thuốc đang có.
7. Sơ cứu chảy máu cam ở người lớn
Không chỉ ở trẻ em mà chảy máu cam cũng găp ở người lớn. Một trong số những yếu tố nguy cơ gây chảy máu cam ở người lớn là do căng thẳng và lo âu mãn tính. Ngoài ra, bệnh tăng huyết áp không chỉ được xem như một yếu tố kích thích chảy máu cam, mà còn khiến lượng máu chảy ra nhiều hơn ở mỗi lần. Bên cạnh đó, một số loại thuốc điều trị huyết áp cao cũng có chứa thành phần làm loãng máu khiến tình trạng chảy máu mũi càng trở nên khó kiểm soát hơn.
Cách xử trí:
Mặc dù thường không quá nguy hiểm nhưng tình trạng chảy máu mũi cũng sẽ khiến bản thân bệnh nhân và những người xung quanh cảm thấy hoang mang, sợ hãi. Áp dụng những bước sơ cứu ban đầu đúng cách có thể giúp giảm bớt sự lo lắng khi một người bị chảy máu mũi.
Bất kể chảy máu cam là do nguyên nhân gì, phương pháp sơ cứu chảy máu cam ban đầu cũng đều tuân thủ 3 bước như sau:
- Bước 1: Ngồi thẳng.
- Bước 2: Hơi nghiêng đầu về phía trước.
- Bước 3: Bóp mũi lại và thở từ từ bằng miệng trong khoảng 10 phút cho đến khi máu chảy chậm lại hoặc ngừng hẳn.
Khi máu có dấu hiệu chảy chậm lại, cần uống một ít nước để tránh cơ thể bị mất nước. Nếu được, nên nghỉ ngơi trong phòng có máy phun sương tạo ẩm hoặc ở những nơi mà không khí không quá hanh khô.
8. Sơ cứu gãy xương
Sơ cứu khi gãy xương chân:
- Đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng, duỗi thẳng chân, bàn chân vuông góc với cẳng chân.
- Dùng nẹp để đặt ở trong và mặt ngoài vùng bị thương
- Độn bông vào hai đầu nẹp và phía trong, phía ngoài của đầu xương
- Cố định hai nẹp với nhau và băng cố định bàn chân vuông góc với cẳng chân
- Không buộc quá chặt để lưu thông máu
Sơ cứu khi gãy xương tay
- Khi gãy xương cánh tay hoặc cẳng tay, để phần tay bị gãy sát thân người nạn nhân, cẳng tay vuông góc cánh tay. Cố định nẹp ở trên và ở dưới chỗ gãy. Dùng băng tam giác đỡ cẳng tay treo trước ngực.
- Trường hợp khuỷu tay không gập được, không nên dùng sức để gập. Đặt nạn nhân nằm xuống và đặt tay bị thương dọc theo thân. Ðặt một miếng đệm dài vào giữa tay bị thương và thân. Buộc tay bị thương vào cơ thể các vị trí quanh cổ tay và đùi, quanh cánh tay và ngực, quanh cẳng tay và bụng.
Sơ cứu khi gãy xương cột sống:
- Nếu gãy xương vùng cổ: đặt nạn nhân nằm ngửa trên cáng cứng và cố định nạn nhân. Giữ thẳng đầu và dùng gối mềm chèn hai bên cổ nạn nhân
- Nếu gãy xương cột sống vùng lưng: để nạn nhân nằm ngửa, giữ đầu nạn nhân thẳng, bàn chân vuông góc với cẳng chân. Cố định nạn nhân, dùng gối mềm để chèn vào hai bên hông nạn nhân
Với những trường hợp bị gãy xương, cần sơ cứu để cố định vùng bị tổn thương và nhanh chóng đưa người bị thương đến cơ sở y tế để kịp thời được điều trị.
9. Sơ cứu ngộ độc thực phẩm
Nhận biết triệu chứng ngộ độc thực phẩm
Triệu chứng cụ thể của ngộ độc thực phẩm tuỳ thuộc vào từng nguyên nhân gây nên:
- Nếu nguyên nhân do vi khuẩn, virus hoặc độc tố vi khuẩn tiết ra: Người bệnh thường chỉ biểu hiện như đau bụng, nôn, tiêu chảy, có thể kèm theo khát nước, khô môi, sốt, vã mồ hôi...
- Nếu nguyên nhân do thực phẩm nhiễm hóa chất: Bệnh nhân có biểu hiện phức tạp, không chỉ ở đường tiêu hoá mà cả ở các cơ quan khác, ví dụ như đau đầu, chóng mặt, nhịp tim nhanh, trụy mạch.
- Nếu nguyên nhân do chính các loại thực phẩm này vốn đã có độc tố: Bệnh xuất hiện ngay sau khi ăn các loại thực phẩm nhất định mà trong tự nhiên được biết là có thể có chứa độc tố: ví dụ như sắn, măng, cá nóc, cóc,…
Thông thường, ngộ độc thực phẩm triệu chứng cấp tính sẽ xuất hiện chỉ sau vài phút, vài giờ hoặc trong vòng 1 – 2 ngày sau khi nhiễm độc từ thức ăn. Ngộ độc thực phẩm dạng nặng có thể dẫn đến tử vong, nhẹ cũng gây mệt mỏi, suy kiệt cả về thể chất và tinh thần cho người mắc bệnh.
Khi thấy chính mình hoặc người thân, người xung quanh đang có các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm, cần bình tĩnh thực hiện tuần tự các bước sơ cứu sau đây:
- Gây nôn (nếu bệnh nhân không có biểu hiện nôn): Để hạn chế độc tố từ thức ăn ngấm vào cơ thể. Trong lúc tiến hành gây nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, phần đầu kê hơi cao để chất thải khi nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không kích thích quá mức gây sặc cho người bệnh. Với trường hợp đã hôn mê thì không nên thực hiện kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.
- Cho người bệnh uống thật nhiều nước và được nghỉ ngơi: Sau khi bệnh nhân nôn và đi ngoài liên tục thì cơ thể sẽ bị mất nhiều nước. Chính vì vậy, đó là lúc cần tiến hành bù nước cho người bệnh. Có thể sử dụng nước lọc, dung dịch oresol hoặc uống nước gạo rang để bù lượng nước mất đi.
- Đưa bệnh nhân đến ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được nhân viên y tế trợ giúp và theo dõi.
Các động tác khác nên làm khi phát hiện và sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm:
- Giữ lại mẫu thực phẩm nghi ngờ, bao gồm cả thông tin về nhãn mác, thậm chí là bệnh phẩm nôn ra từ người bệnh để giúp cho việc xác định nguyên nhân gây ra ngộ độc.
- Trường hợp có nhiều người cùng bị ngộ độc thực phẩm: Cần thông báo đến cơ sở y tế gần nhất, cơ quan y tế dự phòng hoặc chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc để các cơ sở y tế có thể kịp thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực để đối phó trong trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra hàng loạt, các cơ quan chức năng có thể kịp thời thông báo và ngăn chặn ngộ độc tiếp diễn.
10. Sơ cứu côn trùng đốt
Nếu xác định được đó là côn trùng có thể gây nguy hiểm như nhện độc, ong bò vẽ, tốt nhất nên đi khám bác sĩ ngay để được tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu xác định được đó là loại côn trùng không nguy hiểm như ong mật, ong vàng, kiến ba khoang, muỗi, thì bạn sẽ có thể làm mấy động tác sau:
- Lấy ngòi của côn trùng ra khỏi vết đốt nếu bạn nhìn thấy.
- Vệ sinh vết thương bằng dung dịch nước muối sinh lý.
- Trong trường hợp vết đốt đó sưng to, nóng đỏ thì sau khi rửa sạch như nói trên, bạn có thể chườm lạnh lên chỗ bị sưng.
- Nếu thấy chỗ bị đốt ngày càng sưng nóng đỏ hoặc xuất hiện triệu chứng sốt thì cần đưa đi khám bác sĩ ngay.
Trên đây là 10 tai nạn thường gặp ở người lớn trong gia đình, mọi người vào đây để học thêm cách sơ cứu các trường hợp khác nhé: http://kynangsocuu.com
* Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo.