CÁCH SƠ CỨU CHUẨN CHO NẠN NHÂN GẶP TAI NẠN GIAO THÔNG

Tai nạn giao thông là một vấn nạn ở Việt Nam, với hàng chục ngàn vụ xảy ra mỗi năm, làm hàng nghìn người chết và bị thương. Việc giúp đỡ người bị tai nạn vừa là cách thức thể hiện tình người đúng lúc, vừa là yêu cầu được quy định trong pháp luật.

Khi quyết định giúp đỡ một ai đó đang nằm trên đường do tai nạn giao thông, hãy đảm bảo rằng bạn nắm vững những nguyên tắc thiết yếu và một số kĩ thuật cấp cứu cơ bản. Dưới đây là những việc bạn cần làm theo trình tự:

  • Bảo vệ hiện trường
  • Giữ bình tĩnh
  • Đánh giá nhanh hiện trường
  • Gọi hỗ trợ và dịch vụ cấp cứu
  • Cấp cứu cho nạn nhân
  • Bàn giao cho đội cứu hộ
  • Trang bị túi sơ cứu khi tham gia giao thông

1. Bảo vệ hiện trường

Nếu thấy nạn nhân đang nằm trên lề đường, bạn hãy tấp xe vào lề theo chiều mình đang đi sao cho xe nằm hoàn trong làn đường an toàn. Nhưng nếu nạn nhân đang nằm giữa đường, hãy dùng xe của bạn như một barrier đặt phía trước nạn nhân, bật đèn cảnh báo khẩn cấp trên xe nếu có. Bạn cũng có thể dùng những thứ khác để làm barrier như cành cây, đá tảng, chai nước … bất cứ thứ gì để cảnh báo các phương tiện giao thông khác.

Khoảng cách đặt cảnh báo tùy thuộc vào tốc độ của xe cộ đang lưu thông trên đường. Trong thành phố, có thể chỉ cần đặt cảnh báo trước vài mét, nhưng ở đường vắng hoặc trên cao tốc, cần đặt cảnh báo trước nơi xảy ra tai nạn tới 50-150m. Nếu có nhiều người, hãy cắt cử 1-2 người làm nhiệm vụ ra dấu cảnh báo các xe đang đi tới.

2. Giữ bình tĩnh

Điều quan trọng đối với nạn nhân và kể cả với bạn – người cứu giúp – là phải giữ được bình tĩnh. Điều đó giúp bạn đưa ra những quyết định xử lí sáng suốt. Nếu bạn cảm thấy bản thân đang hoảng sợ, hãy nhắm mắt và hít một hơi thật sâu để tập trung cho nhiệm vụ trước mắt của mình.

Tránh để cho bất cứ người nào đang hoảng loạn tại hiện trường. Người đó có thể là người đi cùng nạn nhân hoặc người chứng kiến. Sự hoảng loạn của họ chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình giúp đỡ người bị tai nạn. Hãy trấn an họ hoặc nếu không làm được thì yêu cầu họ tránh ra một nơi an toàn để bạn tiếp tục làm việc.

3. Đánh giá nhanh hiện trường

Mặc dù bản năng đầu tiên của bạn sẽ là kêu cứu, nhưng hãy dành một vài giây để đánh giá nhanh tình hình hiện trường lúc đó:

  • Có bao nhiêu nạn nhân?
  • Có trẻ em hay không?
  • Có ai bị kẹt trong phương tiện bị tai nạn không?
  • Có xăng chảy, lửa cháy, khói, hay nguy cơ nổ nào không?
  • Bản thân mình có đang an toàn hay không?

4. Gọi hỗ trợ và dịch vụ cấp cứu

Sau khi đánh giá nhanh hiện trường, hãy gọi điện cho dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp. Đôi khi trong lúc bối rối bạn có thể quên hoặc nhầm lẫn giữa những số này, vì vậy điều bạn có thể làm ngay bây giờ là lưu chúng vào máy điện thoại sao cho dễ tra cứu nhất khi cần.

Hãy thông báo cho nhân viên trực tổng đài về:

  • Vị trí xảy ra tai nạn
  • Tình trạng sơ bộ của nạn nhân
  • Tình trạng giao thông có thể ảnh hưởng đến việc tiếp cận của xe cấp cứu (tắc đường, đường nhỏ hẹp …)
  • Hỏi họ xem mình có thể làm gì cho nạn nhân (nếu bạn không nắm rõ hoặc đang bối rối).

Chắc chắn rằng sau đó bạn vẫn giữ khả năng liên lạc hai chiều với dịch vụ cấp cứu.

Ngoài ra, trong suốt quá trình, hãy liên tục kêu gọi những người khác trên đường hỗ trợ bạn giúp đỡ người bị tai nạn.

5. Cấp cứu cho nạn nhân

Đây là bước mà chúng ta thường e ngại và lúng túng nhất do không biết bắt đầu từ đâu. Lời khuyên là nếu bạn không biết rõ mình nên làm gì thì tốt nhất là … không làm gì. Hãy chỉ dừng lại ở bước gọi điện cấp cứu và bảo đảm an toàn cho nạn nhân. Việc cố gắng giúp đỡ người bị tai nạn khi không hiểu những nguyên tắc căn bản của cấp cứu có thể sẽ khiến tình trạng nạn nhân tệ thêm.

5.1. Kiểm tra mức độ nguy hiểm của tình huống

Lẽ dĩ nhiên bạn phải đảm bảo an toàn cho chính mình thì mới có thể giúp đỡ người bị tai nạn được. Hãy đánh giá xem mình có gặp nguy hiểm khi tiếp cận nạn nhân không: liệu có nguy cơ cháy nổ nào không, hay bị phương tiện giao thông đè đổ vào người. Nếu nguy cơ quá lớn, tốt hơn hết là bạn không nên liều lĩnh và đợi dịch vụ cấp cứu đến.

5.2. Tiếp cận nạn nhân

Đầu tiên hãy đánh giá xem nạn nhân có tỉnh táo hay không.

  • Nạn nhân còn tỉnh táo khi bạn thấy họ đang mở mắt, có thể giao tiếp được với bạn (bằng lời nói, cử chỉ), hoặc đang khóc, đang la hét.
  • Nạn nhân là bất tỉnh khi bạn lay nhẹ, vỗ nhẹ vào người họ, đồng thời gọi thật to mà họ không có phản ứng lại.

5.3. Tuyệt đối không di chuyển nạn nhân

Đây là nguyên tắc tối quan trọng nhưng thường bị người cứu giúp vi phạm. Nên nhớ rằng có nhiều tổn thương trong cơ thể nạn nhân mà bằng mắt thường bạn không thể nhìn thấy, đặc biệt là gãy xương và chấn thương sọ não, cột sống, tủy sống. Khi bạn di chuyển nạn nhân sẽ khiến tổn thương của họ nặng thêm, thậm chí có thể giết chết nạn nhân ngay lập tức.

Bạn chỉ nên di chuyển nạn nhân sang vị trí khác khi xảy ra tình huống nguy hiểm đến tính mạng của họ như:

  • Nguy cơ cháy nổ, điện giật, ngạt khí gần nơi nạn nhân nằm.
  • Nạn nhân bị kẹt trong phương tiện giao thông không thuận lợi để cấp cứu (tuy nhiên nếu thấy quá khó khăn thì không nên cố đưa nạn nhân ra).
  • Nạn nhân nằm trên lòng đường và đang có nguy cơ cao bị xe khác lao vào (trường hợp bạn chưa kịp đặt cảnh báo).

Trường hợp bắt buộc phải di chuyển nạn nhân, cần tránh các động tác làm xoắn vặn, gập cổ, gập người. Tốt nhất là có nhiều người cùng nâng bệnh nhân để giữ thẳng lưng, cổ trong quá trình di chuyển. Nếu chỉ có một mình bạn thì nên túm lấy cổ áo hoặc nách để kéo lê đi chứ không bế nạn nhân dậy.

5.4. Kiểm tra đường thở

Thở là hoạt động tiên quyết để duy trì sự sống. Nếu một người đang bất tỉnh, điều quan trọng là phải biết họ có đang còn thở không.

Đặt một tay lên trán và một tay đỡ nhẹ vào cằm nạn nhân, ghé sát mặt của bạn gần miệng và mũi họ để cảm nhận luồng hơi thở. Bạn cũng có thể đặt tay lên ngực của nạn nhân để cảm nhận cử động thở của lồng ngực.

Nếu nạn nhân không thở, ngay lập tức thực hiện quy trình hồi sinh tim phổi (CPR). Video dưới đây sẽ mô phỏng cách thực hiện CPR đúng kĩ thuật.

Bạn cần thực hiện CPR đến khi nạn nhân tự thở trở lại, hoặc đến khi đội cấp cứu có mặt và bạn bàn giao nạn nhân cho họ.

Nếu bạn không biết cách thực hiện CPR, đừng cố thử, thay vào đó hãy hỏi những người xung quanh có ai biết không và kêu gọi họ trợ giúp.

5.5. Cầm máu

Quan sát trên người bệnh nhân có những vết thương đang chảy máu không. Nếu thấy những chỗ máu đang phụt ra thành tia, hoặc đùn ra liên tục thành dòng, hãy lấy một miếng gạc, mảnh vải, hoặc quần áo cuộn lại, đặt lên chỗ máu chảy và ấn mạnh xuống để cầm máu.

Nếu nạn nhân còn tỉnh táo, bạn có thể yêu cầu họ đè mạnh lên vị trí chảy máu để bạn rảnh tay làm những việc khác.

Ghi nhớ: Vấn đề vô khuẩn không phải là việc quá quan trọng khi tiến hành cấp cứu. Tuy nhiên chúng ta cũng không nên dùng vật quá bẩn để làm băng gạc cầm máu.

 

5.6. Chống sốc

Sốc là tình trạng khi hệ tuần hoàn không đủ khả năng cung cấp oxy và dưỡng chất tới các mô, cơ quan để duy trì hoạt động bình thường của chúng. Sốc có thể đe dọa tính mạng nạn nhân. Trong tai nạn giao thông, sốc thường do nguyên nhân mất máu và đau.

Khuôn mặt nhợt nhạt là một dấu hiệu cho thấy nạn nhân có thể đang sốc.

Ngoài biện pháp cầm máu ở bước trên, bạn có thể làm thêm một số biện pháp sau để chống sốc:

  • Giữ ấm cho nạn nhân bằng vải, quần áo, áo mưa
  • Nâng cao chân của nạn nhân bằng cách đặt chúng lên một vật gì đó (nếu nạn nhân bị gãy xương ở chân hoặc kêu đau khi nâng thì không thực hiện nữa)
  • Che nắng, che mưa cho nạn nhân
  • Cho họ uống nước

5.7. Kiểm tra gãy xương

Nếu nạn nhân tỉnh, hãy yêu cầu họ thử nhấc cánh tay, nhấc chân lên một cách nhẹ nhàng. Nếu họ không làm được, có thể xương ở chi đã bị gãy.

Bạn cũng có thể nhận biết gãy xương khi thấy đầu xương chọc ra ngoài da, hoặc khi thấy chi thể bị biến dạng kiểu cong gập vào bất thường.

Khi đó, hãy tìm dụng cụ để cố định phần chi thể bị gãy xương. Đó có thể là những thanh gỗ, thanh kim loại, mảnh nhựa cứng đủ dài, cán ô, hoặc bìa cứng được gấp vào nhiều lớp. Dây buộc có thể tùy ứng bằng dây điện, dây cao su, băng dính, quần áo xé ra, thắt lưng, dây giày. Hãy linh hoạt và tận dụng mọi thứ có sẵn ở hiện trường để làm phương tiện cố định.

Nguyên tắc khi cố định xương gãy là nẹp cố định phải đủ dài, từ khớp phía trên xuống hết khớp phía dưới nơi có đoạn xương gãy. Ví dụ nếu nạn nhân gãy cẳng chân, nẹp phải dài từ đầu gối xuống đến mắt cá chân.

Cố định xương gãy có tác dụng làm giảm sự di động của đầu xương, tránh di lệch nhiều hơn, giảm đau khi di chuyển và tránh biến chứng đầu xương gãy chọc vào mạch máu hay dây thần kinh.

Nếu bạn không biết cách cố định xương gãy, không có phương tiện hoặc không chắc nạn nhân có gãy xương hay không, tốt nhất là không làm gì và chờ đội cứu hộ đến.

 

 

5.8. Động viên nạn nhân

Người gặp tai nạn thường rất sợ hãi, hoảng loạn và đau đớn. Điều này có thể khiến họ kém hợp tác với chúng ta.

Trong quá trình thực hiện các bước trên, liên tục giao tiếp, nói chuyện và động viên nạn nhân. Những câu bạn nên nói như:

  • “Bạn cứ yên tâm, tôi sẽ ở đây với bạn”.
  • “Bạn an toàn rồi, mọi người đang giúp bạn hết sức”.
  • “Tôi đã gọi xe cứu thương cho bạn rồi, chắc ít phút nữa sẽ tới”.

Cầm tay nạn nhân nếu họ không thể nghe rõ lời bạn nói. Đó là cử chỉ tạo sự an tâm một cách tuyệt vời.

6. Bàn giao cho đội cứu hộ

Ngay khi xe cấp cứu và đội cứu hộ có mặt tại hiện trường, nhanh chóng nhường vị trí cho họ. Bạn nên cung cấp nhanh tình trạng của nạn nhân cho nhân viên y tế/cứu hộ, cũng nhưng những biện pháp cứu chữa mà bạn đã áp dụng để giúp đỡ người bị tai nạn.

Bạn cũng có thể hỏi xem mình còn giúp đỡ được gì nữa không. Nếu họ nói không, bạn đã hoàn thành nghĩa vụ cứu giúp của mình rồi. Hãy trở về nhà an toàn và tận hưởng cảm giác làm một người hùng!

7. Trang bị túi sơ cứu

Hiện nay trên thị trường có dòng sản phẩm túi sơ cứu với đầy đủ các dụng cụ cơ bản. Nếu bạn đang tìm kiếm một sản phẩm có đầy đủ các dụng cụ sơ cứu đạt chuẩn thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm lựa chọn: TÚI SƠ CỨU HÀNG NGÀY của 1Life. Với hơn 55 dụng cụ sơ cứu cơ bản giúp bạn giải quyết các vấn đề hay gặp trong cuộc sống một cách kịp thời: bỏng bô, chảy máu, bong gân, gãy xương, … Túi sơ cứu phù hợp cho tủ thuốc gia đình, đem theo trong xe máy, xe ô tô, không thể thiếu trong các chuyến đi du lịch, đặc biệt cần thiết cho gia đình có con nhỏ.

Bạn tham khảo túi sơ cứu tại: Shop sơ cứu hoặc Inbox FB Kỹ năng sơ cứu để team tư vấn cho bạn nhé.

* Bài viết mang tính chất tham khảo

 

 

 

← Bài trước Bài sau →