10 TẠI NẠN TRẺ CON HAY GẶP TRONG GIA ĐÌNH

Trẻ con rất hiếu động, ưa khám phá và thích tìm tòi những đồ vật mới, đặc biệt những bé từ 2 – 3 tuổi, vì vậy mà mẹ lo sợ rằng những nguy cơ tiềm ẩn làm tổn thương đến bé. Dưới đây là một số tai nạn thường gặp ở trẻ em khi ở nhà, phụ huynh cần chú ý:

1. Hóc dị vật
2. Uống nhầm hóa chất, thuốc
3. Bỏng
4. Điện giật
5. Chảy máu cam
6. Dập ngón tay, ngón chân
7. Vật sắc nhọn đâm
8. Bong gân
9. Té ngã
10. Côn trùng đốt


Trong bài viết này chia sẻ những thông tin hữu ích để giúp phụ huynh cũng như những người chăm sóc trẻ kịp thời nhận biết được những tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ và cách sơ cứu.

1. Sơ cứu hóc dị vật

Trẻ nhỏ thường chơi đồ chơi và hay đưa khá nhiều thứ vào miệng thậm chí cả những đồ vật có thể gây nguy hiểm cho đường thở của trẻ. Các vật dụng hàng ngày có thể gây nguy hiểm cho trẻ bao gồm: các mẫu thức ăn (bao gồm cả thức ăn cho vật nuôi) như thạch miếng, đồ ăn cứng,… đồ chơi của trẻ, pin, nắp chai, bóng bay, viên bi, nắp bút hoặc bút đánh dấu, nam châm, nút bấm, dây chun, kẹp tóc hoặc nơ nhỏ và hạt nước là những nguy cơ gây nghẹt thở.

* Cách xử trí

- Nạn nhân bị ngạt thở sẽ không nói được. Nếu nạn nhân có thể nói, ho, khóc hoặc thở thì chứng tỏ họ đang bị ngạt đường thở một phần. Nếu nạn nhân còn trả lời được thì nên trấn an nạn nhân, khuyến khích nạn nhân ho, không sử dụng nghiệm pháp vỗ lưng (vì có thể đẩy dị vật vào sâu trong đường thở), theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân và gọi cứu thương nếu tắc nghẽn đường thở không giảm.
- Nếu nạn nhân không trả lời được, nên gọi cấp cứu.
- Nếu nạn nhân còn tỉnh, truyền đạt ý định tiến hành sơ cứu để họ phối hợp theo.

* Đối với trẻ dưới 1 tuổi

+ Sơ cứu bằng cách đặt trẻ nằm sấp dọc theo cẳng tay, dùng gót bàn tay đập vào khoảng lưng giữa 2 xương vai 5 lần liên tục, chậm, chắc. Sau đó kiểm tra dị vật đã văng ra chưa, trẻ đã thông đường thở chưa (da hồng hào trở lại, khóc lớn);
+ Nếu sau 5 lần đập lưng mà vẫn chưa thông đường thở, đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng an toàn, dùng 2 ngón tay giữa, ấn thẳng 1 góc 90o vào giữa xương ức (xương to giữa ngực trẻ), mức ngang với đường nối 2 núm vú của trẻ. Thực hiện ấn 5 lần chậm, chắc. Tiếp tục kiểm tra trẻ xem đã loại bỏ dị vật ra chưa. Nếu thấy có dị vật tống ra, còn ở trong miệng, nên nhẹ nhàng dùng ngón tay út lùa dị vật ra ngoài;
+ Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu không loại bỏ được dị vật ra khỏi đường thở của trẻ;
+ Trong thời gian chờ cấp cứu, tiếp tục thực hiện 5 lần đập lưng, 5 lần ấn ngực xen kẽ cho tới khi trẻ khóc được hoặc đến khi xe cấp cứu đến;
Nếu thấy trẻ bất tỉnh, làm hô hấp tim phổi nhân tạo.

* Đối với trẻ trên 1 tuổi và người lớn

+ 5 lần vỗ lưng bằng gót bàn tay:

  • Dùng phần gót bàn tay vỗ mạnh vào lưng nạn nhân 5 lần riêng biệt tại vị trí giữa 2 bả vai;
  • Đảm bảo việc vỗ lưng đủ mạnh, mỗi lần vỗ lưng tách biệt để đánh bật dị vật ra;
  • Đánh giá tình trạng cải thiện sau mỗi lần vỗ lưng.

+ 5 lần đẩy bụng (nghiệm pháp Heimlich):

  • Đứng phía sau nạn nhân;
  • Dùng 2 tay ôm quanh eo nạn nhân, bên dưới khung xương sườn;
  • Dùng mặt dưới của nắm tay đặt lên gần trung tâm bụng nạn nhân (cạnh ngón tay cái tỳ vào bụng) ở phía trên rốn và dưới mũi ức (vùng thượng vị);
  • Nắm tay được bọc trong bàn tay bên kia;
  • Thực hiện đẩy bụng từng lần riêng biệt và dứt khoát theo hướng vào trong và lên trên. Tiếp tục cho tới khi dị vật tắc nghẽn được đánh bật ra – kiểm tra sau mỗi lần đẩy bụng. Dừng thao tác nếu nạn nhân bất tỉnh.

+ Nếu tình trạng tắc nghẽn đường thở chưa được cải thiện thì tiếp tục luân phiên 5 lần vỗ lưng và 5 lần đẩy bụng cho tới khi đánh bật dị vật ra khỏi đường thở.

 

 

2. Sơ cứu khi trẻ uống nhầm hóa chất, thuốc

Hàng năm, ở các bệnh viện Nhi, khoa Nhi ở các viện lớn tiếp nhận số lượng không ít trẻ em nhập viện do ngộ độc hóa chất nặng gây suy đa phủ tạng, bỏng niêm mạc tiêu hóa, gây tử vong cao. Chủ yếu do các bé uống nhầm phải thuốc diệt côn trùng, thuốc cọ sàn, bột thông tắc nhà vệ sinh, chất tẩy rửa, mỹ phẩm, thuốc không dành cho bé. Vì vậy, việc phát hiện, sơ cứu đúng và kịp thời là vô cùng quan trọng.

Biểu hiện của các bé khi uống nhầm thuốc, hóa chất độc hại là lên cơn họ sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất, nôn mửa, đau bụng, tụt huyết áp, trụy tim mạch, co giật hôn mê thậm trí bị bỏng quanh vùng miệng khi đã nuốt phải chất độc ăn mòn.

* Cách xử trí

* Các chất bay hơi axit, xăng dầu, chất tẩy rửa

Lưu ý: Mẹ tuyệt đối không được bắt bé nôn ra ngay. Vì khi bé nôn, hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản, dễ bị mắc các bệnh viêm phổi.

B1: Mẹ cho bé uống vài ngụm nước lọc, uống từ từ khỏi sặc.

B2: Mẹ đưa ngay bé đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

* Các thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu

* Cần nhanh chóng gây nôn cho trẻ càng sớm càng tốt.

B1: Trong vòng 1 giờ đầu uống nước và gây nôn bằng cách móc họng cho bé. Khi nôn, để đầu bé thấp tránh sặc vào phổi. Hoặc đặt bé nằm nghiêng tránh chất nôn, dịch tiết hay nước chảy vào khí quản gây tắc thở.

B2: Đưa bé đến bệnh viện nơi gần nhất để được cấp cứu kịp thời

* Các thuốc khác

B1: Mẹ cần giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng để các chất trong dạ dày không trào lên thực quản. Mẹ không được đặt trẻ ở tư thế nằm.

B2: Nếu bé còn đang tỉnh, bất kể là đã uống nhầm loại gì cũng cần nhanh chóng làm cho bé nôn ra hết các loại thuốc đó bằng cách móc họng cho bé. Mẹ lưu ý, khi móc họng cho bé thì cần khéo léo, tránh làm xây xát họng của trẻ.

B3: Mẹ cho bé uống nhiều nước ấm rồi lại tiếp tục móc họng gây nôn nhằm rửa sạch dạ dày, giải độc ra khỏi cơ thể, giảm bớt tác hại của thuốc.
Trong trường hợp bé hôn mê, co giật thì mẹ không nên gây nôn.

B4: Đưa bé đến bệnh viện nơi gần nhất để được cấp cứu kịp thời và mẹ hãy mang theo vỏ/ vỉ thuốc mà bé đã uống nhầm để bác sĩ kiểm tra, theo dõi.

3. Sơ cấp cứu khi bé bị bỏng

Thông thường, với các bé nhỏ ở nhà bị bỏng là do vô tình va vào chậu nước nóng hay chảo mỡ nóng già mẹ đang rán trên bếp, thậm chí sờ vào ổ điện bị giật… Với các trường hợp này, nếu mẹ để ý, mẹ sẽ thấy vùng da bị bỏng của bé có các dấu hiệu theo cấp độ như sau:

+ Cấp độ 1: Vùng da bỏng sẽ có màu đỏ, đau rát như bị cháy nắng

+ Cấp độ 2:  Xuất hiện các nốt phồng chứa mọng nước. Nếu bỏng nặng thì bé sẽ dễ bị choáng, nhiễm trùng máu, uốn ván, suy nhược toàn thân.

+ Cấp độ 3: Vết bỏng ngấm sâu vào bên trong, qua lớp da đến lớp cơ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

* Cách xử trí 

B1: Khi trẻ bị bỏng nhẹ, mẹ phải nhanh chóng ngâm chỗ bỏng của bé vào nước sạch, tốt nhất là để vết bỏng dưới vòi nước sạch để hạ nhiệt độ ngay tức thì chỗ bỏng của con để làm dịu cơn đau.

B2: Bôi thuốc trị bỏng

B3: Trong trường hợp trẻ bị bỏng ở mắt, miệng hay bộ phận sinh dục, phải ngay lập tức đưa con đến cơ sở y tế gần nhất dù trẻ chỉ bị bỏng nhẹ. Nếu vết bỏng rộng hơn 1 bàn tay, bị phồng rộp hay kéo theo sốt, mẹ cũng nên xử trí tương tự.

Lưu ý: mẹ không được chọc vỡ các nốt phồng rộp hoặc tự gỡ những thứ bị dính trên vết bỏng ra khỏi người con mà nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý

4. Sơ cấp cứu khi bé bị điện giật

Tai nạn điện giật thường xảy ra một cách đột ngột, vô tình bé chạm phải đường dây điện hở, hay ổ điện ở những vị trí thấp mà bé với được. Hậu quả khi bị điện giật là khiến bé có thể bị bỏng hay nếu nặng hơn là ngừng hô hấp, tuần hoàn có những điều đáng tiếc xảy ra. Vì vậy, sơ cứu ban đầu của ba mẹ khi phát hiện ra con bị điện giật rất quan trọng

* Cách xử trí

B1: Giữ vững tâm lý, nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh.

B2: Ngắt nguồn điện nơi mà bé bị điện giật. Nếu trong trường hợp không ngắt được điện thì mẹ cần đứng trên vật khô cách điện, sau đó dùng cán chổi, cành cây khô, ghế đẩu đẩy tay chân của trẻ bị điện giật ra khỏi nguồn điện.

B3: Nếu mẹ thấy bé còn tỉnh, hãy an ủi, vỗ về bé để bé yên tâm, không bị hoảng sợ. Nếu bé bất tỉnh, mẹ cần kiểm tra nhịp thở, mạch đập và tiến hành cấp cứu thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực cho bé để bé dần dần hồi phục theo bước sau:

Vị trí: Trẻ dưới 1 tuổi là xương ức, dưới đường nối 2 núm vú 1 đốt ngón tay. Trẻ trên 1 tuổi, trên xương ức 1-2 đốt ngón tay, trẻ < 8 tuổi thì dùng 1 bàn tay, trẻ > 8 tuổi thì dùng 2 tay. 

+ Ép tim: đặt trẻ lên nền cứng như ván cứng, mặt đất, nới lỏng quần áo và các đồ trên người bé làm cản trở hô hấp. Tần số ép tim: 100 lần/ phút, ( khoảng 2 giây được 3 cái). Ấn ngực 1/3 – 1/2 bề dày thành ngực.  

+ Hà hơi thổi ngạt: quỳ hoặc đứng bên trái ngang đầu trẻ. Bàn tay trái đặt sau gáy, nâng nhẹ cổ và mở miệng bé ra. Bàn tay phải đặt ở trán làm ngửa đầu, ngón cái và ngón trỏ bịt mũi bé.

+ Ngẩng đầu hít một hơi thật sâu, cúi đầu áp miệng của mình sát miệng bé sao cho không có kẽ hở đồng thời mắt nhìn ngực bé. Dùng sức hà hơi trong phổi mình vào miệng bé tới khi ngực của bé nhấp nhô lên. Sau đó, ngẩng đầu lên hít sâu một hơi để hà hơi tiếp theo. Thổi 2 lần liên tiếp. Rồi tiếp tục ép tim thổi ngạt cho đến khi nạn nhân tỉnh lại hoặc nhân viên y tế đến.

+ Cấp cứu ngưng tim ngưng thở có chất lượng là khi:

  • Ép tim đủ tần số: 100 lần/ phút
  • Biên độ ép tim thích hợp: 1/3-1/2 ngực trẻ, khoảng 1-2 cm trẻ < 1 tuổi, 2-3cm với trẻ > 1 tuổi, trẻ lớn hơn nữa có thể 4-6cm.
  • Đảm bảo lồng ngực bé về bình thường mới ép tim lần tiếp theo
  • Tỉ lệ ép tim: thổi ngạt là 30/2 (hoặc 15/2), tức là 30 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt.
  • Tránh gián đoạn khi ép tim.
  • Đặc biệt, trong lúc bé bất tỉnh như vậy, mẹ không nên để nhiều người đứng ngồi ở đó vì như vậy sẽ không thông thoáng, khiến bé thiếu oxy để thở.

B4: Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất

5. Sơ cứu chảy máu cam

- Tư thế ngồi, đầu hơi cúi về phía trước. Ở tư thế ngồi, áp lực máu trong tĩnh mạch ở vùng mũi giảm, giúp máu không chảy thêm. Ngồi ngả người về phía trước nhằm tránh máu chảy xuống họng gây nôn.

- Bóp cánh mũi. Dùng ngón cái và ngón trỏ bóp chặt hai cánh mũi trong vòng 10 đến 15 phút, thở bằng miệng. Việc này thường giúp máu ngừng chảy.
Nếu sau 10 – 15 phút máu còn chảy, nhắc lại các bước trên trong 10-15 phút tiếp theo. Trường hợp vẫn tiếp tục không cầm được máu, cần đến cơ sở y tế để được xử trí.

6. Sơ cấp cứu khi bé bị dập ngón tay, ngón chân

Trong số các chấn thương mà các bé hay gặp phải thì việc dập ngón tay/ ngón chân là chấn thương khá phổ biến do vô tình bé bị các vật nặng đè/ rơi vào chân hoặc tay như: dụng cụ gia đình, bàn ghế, đồ gỗ… Khi bị chấn thương mẹ sẽ thấy bé khóc thét lên và các chỗ tay chân bị dập sẽ bầm tím, đau nhói. Để xử lý tình huống này mẹ cần:

+ B1: Nâng cao vùng bị tổn thương và phù nề. Trong vòng 48 giờ mẹ thấy con bị dập ngón tay, ngón chân, mẹ hãy cho con ngồi lên lòng mẹ hay ngồi trên ghế thật thoải mái. Dùng chăn hoặc gôi kê cao bàn tay hoặc bàn chân bị thương của bé.

+ B2: Chườm đá. Mẹ gói vài cục đá vào trong chiếc khăn mặt hoặc túi ni lông chườm lên vùng bị tổn thương để tan vết tím bầm, giảm sưng tấy, phù nề trong vòng 15 – 20 phút.

+ B3: Giảm đau. Khi bé bị một vật nặng đè lên cơ thể thì chắc chắn sẽ có cảm giác đau đớn. Mẹ hãy xoa dịu bé bằng cách kể chuyện cười, xem phim hoạt hình, nghe ca nhạc để bé quên đi. Với những bé lớn hơn, mẹ cần bình tĩnh động viên bé hít thở sâu để cải thiện được tình hình.

+ B4: Kiểm tra dấu hiệu gãy xương. Mẹ để ý và quan sát bé trong vài giờ đồng hồ xem tay chân bị chấn thương có bị sưng, biến dạng, cong lệch, đau đớn thì có thể bé bị gãy xương. Mẹ hãy đưa bé đến bệnh viện để chụp chiếu X – Quang và kiểm tra sức khỏe của bé.

7. Sơ cấp cứu khi bé bị các vật sắc nhọn đâm

Khi bé còn nhỏ và đang tò mò muốn khám phá thế giới xung quanh. Nếu ba mẹ để các đồ sắc nhọn như: dao, kéo, đinh, thìa, cốc thủy tinh vỡ, đĩa…lung tung, ở những vị trí thấp thì bé sẽ với được rồi nghịch bị các dụng cụ đó đâm vào người bị sưng tấy, đỏ, mưng mủ, chảy máu…

* Cách xử trí

+B1: Mẹ không nên cố lấy ra khi vật cắm sâu vào da thịt bé. Vì khi mẹ cố dứt hay cố lấy không đúng cách sẽ làm vết thương sẽ đau hơn, các vật sắc nhọn đó cắm sâu vào da thịt của con hơn.

+B2: Rửa vết thương bằng oxy già hoặc nước muối sạch. Mẹ hãy rửa thật sạch và sát trùng vết thương của bé để tránh nhiễm trùng hay sưng tấy.

+B3: Băng bó vết thương để cầm máu. Sau khi rửa sạch vết thương xong thì mẹ cần băng bó vết thương của bé vào để cầm máu cho bé, tránh tình trạng để máu chảy ra quá nhiều.

+B4: Đưa bé đến trạm y tế nơi gần nhất để các y tá và bác sĩ lấy vật sắc nhọn ra khỏi cơ thể của bé
Lưu ý: với các vật sắc nhọn bị gỉ hay bị bẩn dễ gây uốn ván, nhiễm trùng nặng, mẹ nên đưa con đi tiêm phòng.

 

 

8. Sơ cứu bong gân

Khi bị bong gân và căng cơ, người bệnh cần dừng cử động và thực hiện các cách sơ cứu sau trong vòng 48 giờ:

- Nghỉ ngơi: Hạn chế hoàn toàn các cử động để vùng bị thương nghỉ ngơi đến khi giảm đau.

- Chườm lạnh: Chườm lạnh vùng bị thương ngay lập tức, thực hiện 4 – 8 lần/ngày và khoảng 10 – 15 phút/lần. Cách này sẽ giúp giảm sưng. Sau khoảng 2 ngày chườm lạnh thì chuyển sang ngâm nước ấm.

- Cố định khớp: Sử dụng loại băng vải có độ đàn hồi cao băng vùng bị bong gân và căng cơ khoảng 2 ngày, lưu ý không nên băng quá chặt. Cách này giúp giảm sưng.

- Nâng cao vùng bị thương: Nâng hoặc kê cao vùng bị thương so với tim để làm giảm tình trạng sưng phù

Lưu ý: Không được dùng cao dán hay bôi dầu nóng vì sẽ làm nặng hơn tình trạng xuất huyết dưới da. (Các mạch máu giãn nở và bể ra khi gặp nóng còn khi gặp lạnh chúng sẽ co lại).

 

 

9. Sơ cứu khi bị té ngã

Các bước sơ cứu cơ bản:

- Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn của nạn nhân bằng việc đặt câu hỏi. Nếu người bị thương không thể trả lời, lúc này khả năng nạn nhân đã bị ảnh hưởng tri giác hoặc chấn thương cột sống cổ.

- Không di chuyển người bị thương ngay vì có thể làm di lệch ổ gãy và chèn ép vào tủy sống gây liệt vĩnh viễn hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác.

- Gọi điện ngay đến trạm vận chuyển cấp cứu (115)
Trong thời gian chờ sự trợ giúp y tế, người nhà cần thực hiện một số việc như:

- Cầm máu: sử dụng băng vô trùng, vải sạch hay quần áo sạch băng vết thương.

- Cố định vị trí bị thương: Không nên cố gắng căn chỉnh lại xương. Có thể đặt nẹp vào khu vực bên trên và bên dưới vị trí xương gãy. Đệm các nẹp có thể giúp giảm bớt sự khó chịu cho người bị thương.

- Nếu nghi ngờ nạn nhân bị chấn thương cột sống cổ nhưng vẫn tỉnh táo, khuyên nạn nhân nằm yên hoàn toàn. Nẹp cột sống bằng vật liệu có sẵn trong nhà như túi cát, vật nặng, khăn vải cuộn chặt để cố định hai bên cột sống cổ, lưng; dùng băng keo hoặc dây cột lại. Lưu ý, khi nẹp cổ, nẹp phải tỳ vào xương đòn, khối cơ vai, đầu trên tỳ vào xương hàm dưới ở hai bên và chẩm ở mặt sau.

- Chườm đá: chườm một túi nước đá lên vị trí bị thương để hạn chế sưng và hỗ trợ giảm đau. Lưu ý tránh chườm đá trực tiếp lên da, cần bọc trong chiếc khăn, mảnh vải hoặc một số vật dụng khác trước khi đặt lên da.

 

 

10. Trẻ bị côn trùng đốt

Nếu xác định được đó là côn trùng có thể gây nguy hiểm như nhện độc, ong bò vẽ, ong đất (hai loại ong này có thể gây nguy hiểm cho trẻ trong trường hợp bị đốt nhiều bởi nhiều con cùng lúc) hoặc nếu trẻ có cơ địa dị ứng, tốt nhất bạn nên cho trẻ đi khám bác sĩ ngay.

Nếu xác định được đó là loại côn trùng không nguy hiểm như ong mật, ong vàng, kiến càng, muỗi, thì bạn sẽ có thể làm mấy động tác sau:

- Lấy ngòi của côn trùng ra khỏi vết đốt nếu bạn nhìn thấy.
Rửa sạch chỗ đó cho bé bằng xà phòng, sau đó lau khô, chấm vào đó chút nước

- Trong trường hợp vết đốt đó sưng to, nóng đỏ thì sau khi rửa sạch như nói trên, bạn có thể chườm cho con bằng cách nhúng một cái khăn mềm hoặc miếng gạc sạch vào nước lạnh sau đó vắt khô rồi đắp lên chỗ bị sưng cho bé. Bạn có thể dùng băng dính hoặc một chiếc khăn cố định lại rồi thỉnh thoảng lại thay khăn.

- Nếu thấy chỗ bị đốt ngày càng sưng nóng đỏ hoặc bé bị sốt thì cần đưa bé đến khám bác sĩ ngay.

Trên đây là 10 tai nạn thường gặp ở trẻ trong gia đình, còn nhiều tai nạn mà phụ cần quan tâm để sơ cứu trẻ tránh gặp trường hợp đáng tiếc, mọi người vào đây để học thêm cách sơ cứu các trường hợp khác nhé: http://kynangsocuu.com
 

* Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo.
 

 
 
← Bài trước Bài sau →