Bài Tập Chánh Niệm Hay

Các bài tập chánh niệm giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về những suy nghĩ, cảm xúc của mỗi người. Các bài tập có thể cho chúng ta cảm giác kiểm soát được suy nghĩ của mình, thay vì cảm thấy rằng chúng ta bị kiểm soát bởi chúng. Mùa dịch ở trong nhà quá lâu, tiếp nhận quá nhiều tin không tích cực khiến nhiều người dễ stress, thậm chí trầm cảm. 

Có rất nhiều bài tập để lựa chọn, nhưng có thể những bài tập chánh niệm tốt nhất là những bài tập đơn giản, dễ tiếp cận đối với tất cả mọi người và thực sự có thể giúp chúng ta sống tích cực, khỏe mạnh hơn trong thời điểm này. Nếu mới bắt đầu, hãy tập dần dần, đặc biệt là trong những thời khắc khó khăn như bây giờ. Có một lúc nào đó trong cuộc đời, mình không thể mãi là con thỏ trốn trong hang được. Hãy là một chiến binh, dũng cảm đối diện với sự thật. Và nếu đã nhìn thấy rõ con đường, hãy mạnh mẽ và bước tiếp nhé. 

1. Cười hàm tiếu khi thức dậy buổi sáng
Viểt vào miếng giấy nhỏ chữ "CƯỜI" và treo hoặc dán đâu đó để khi thức dậy sớm mai là có thể thấy được. Khi nhìn thấy là mỉm cười đồng thời hít thở 3 hơi. Theo dõi hơi thở và duy trì nụ cười hàm tiếu.
 


2. Tập buông thư trong khi ngồi
Ngồi trong bất cứ tư thế nào thuận tiện (hoa sen, xếp bằng, quỳ gối hoặc trên ghế dựa buông thõng hai chân). Mỉm cười hàm tiếu. Thở ra hít vào thật nhẹ, chú ý tới hơi thở, duy trì nụ cười và chườm gối thảo mộc. Hương thảo mộc và tinh dầu dịu nhẹ, cùng với cảm giác thư giãn, thoải mái như được massage của gối chườm, tạo không gian gần gũi và hòa quyện với thiên nhiên -> thở và cười buông mọi muộn phiền, thanh lọc thân tâm. 

 



3. Tập buông thư trong tư thế nằm
Nằm ngửa trên mặt phẳng không có nệm, gối. Duỗi hai tay theo thân thể, duỗi hai chân. Mỉm cười hàm tiếu. Thở ra hít vào thật nhẹ và chú ý đến hơi thở. Buông lỏng tất cả các bắp thịt trên toàn cơ thể. Chỉ duy trì hơi thở và nụ cười mà thôi. Tập 10 hơi như vậy.
 



4. Theo dõi hơi thở
Trong tư thế ngồi hay đi bộ, khởi sự thở vào nhè nhẹ (nhớ thở bụng), một hơi bình thường và ý thức mình đang thở vào một hơi bình thường. Thở ra và ý thức mình đang thở ra một hơi bình thường. Thở 3 lần như vậy. Tiếp tục như thế 3 lần nữa nhưng lần này dài hơn sâu hơn. Và bây giờ theo dõi hơi thở của mình chăm chú hơn, biết rõ động tác của bụng và phổi và sự ra vào của không khí. Ý thức mình đang thở vào và theo dõi từ đầu đến cuối hơi thở vào. Mình đang thở ra và theo dõi từ đầu đến cuối mình đang thở ra. Thở như vậy 20 lần và nhớ duy trì nụ cười trong khi thở. 
 


 

5. Đếm hơi thở
Trong tư thế ngồi hay đi bộ, khởi sự thở vào nhè nhẹ, ý thức rằng đây là mình đang thở vào hơi thở thứ nhất. Từ từ thở ra, ý thức rằng mình đang thở ra hơi thứ nhất. Cứ như thế hơi thứ 12 thì bỏ và đếm lại số 1. Nếu nữa chừng mà suy nghĩ lung tung làm cho quên số thì bắt đầu trở lại.
 

 

6. Tập thở bụng
Nằm xuôi hai chân như số 6. Thở đều và nhẹ bình thường. Chú ý đến động tác của bụng. Bắt đầu hít vào và bụng phình lên dể đưa không khí vào đầy phổi. Cho không khí vào phần trên của phổi trong khi ngực lên và bụng bắt đầu xuống. Đừng thở hơi dài quá sẽ mệt. Tập 10 hơi như vậy và hơi thở ra dài hơn hơi thở vào.

 



7. Chú ý và nhìn sâu vào tư thế của thân thể
Bài tập này có thể thực hiện bất cứ nơi đâu và lúc nào. Khởi sự chú ý hơi thở, thở nhẹ và sâu hơn bình thường, ý thức được tư thế của thân thể mình, dù đang đi đứng hay nằm ngồi. Ý thức hoạt động của tay, chân và ý thức luôn chủ đích hay sự không có chủ đích của những tư thế đó. 

 



8. Ăn trong chánh niệm
Khi chúng ta cắn miếng đầu tiên, chúng ta nên dành một chút thời gian để ý đến hương vị - thực sự thưởng thức nó. Chúng ta có thể xem xét thức ăn của mình một cách cẩn thận, cảm nhận kết cấu, ngửi và nhận thấy cơ thể chúng ta phản ứng như thế nào.
 



9. Quán niệm khi dọn dẹp nhà cửa
Chia công việc ra thành từng lớp và dành nhiều thời gian cho mỗi thứ lớp chứ đừng ôm quá nhiều thứ một lần. Động tác chậm lại, tập trung vào động tác và đối tượng của động tác. Ví dụ như sau khi sắp một cuốn sách vào chỗ của nó trên kệ sách thì biết rõ đó là cuốn sách gì, biết tay mình đang cầm cuốn sách, biết tay mình đang đặt cuốn sách vào chỗ của nó trên kệ sách. Tránh những động tác mạnh và liên tục. Duy trì ý thức nơi hơi thở, đặc biệt là khi mình suy nghĩ lung tung.
 



10. Quán niệm khi đi tắm 
Đừng có một giây nào hối hả khi tắm cả. Từ lúc bước vào phòng tắm cho đến lúc mặc xong quần áo, giữ cho động tác thật nhẹ nhàng chậm rãi. Để ý các bộ phận trên cơ thể, theo dõi hơi thở và cảm nhận sự mát mẻ sảng khoái trong khi tắm. 
 


Và mời bạn lắng nghe bài hát dễ thương này "Healing happens all around" tại đây , nhìn vào dòng chữ này, mỉm cười vả ý thức rõ ...
Hơi thở là nuôi dưỡng
Hơi thở là trị liệu 

 



Nguồn tham khảo:
Sách "Phép lạ của sự tỉnh thức", tác giả Thích Nhất Hạnh
Bài viết của Cô Lê Thị Mỹ Hằng - Sáng lập và điều hành DNXH An Ban
https://mindfulness4u.org/mindfulness-exercises/

 

 

 

 

 

 

 

 

← Bài trước Bài sau →